Hiểu về Bóng âm và Sự phóng chiếu trong Vòng tròn - Phần 2: Vì sao nên nói về Bóng âm?

Xem lại phần 1: Bóng âm là gì?

Hầu như mỗi khi tham gia vào một nhóm nào đó, mọi người đều không hề nghĩ tới sự tồn tại của phần bóng âm. Mặc dù có thể thấy lo lắng, hầu hết chúng ta gia nhập một nhóm người mới đều hi vọng các kỳ vọng của mình sẽ được đáp ứng, rằng ta có thể tham gia vào nhóm với tinh thần cộng tác và đoàn kết, và ta sẽ được tôn trọng, được ghi nhận và thậm chí được người khác yêu mến vì chính bản thân mình. 

Tuy nhiên, nếu chúng ta không thừa nhận sự có mặt của phần bóng âm – những phần năng lượng chưa được bộc lộ ra và vô thức tồn tại trong mỗi cá nhân và mỗi nhóm– thì chúng ta đang đối mặt với nguy cơ lặp lại những tình huống phổ biến gây ra sự thất vọng cho bản thân. Hết lần này tới lần khác, một nhóm những người tốt quy tụ lại với nhau với ý định tốt đẹp nhất, với nỗ lực để hoàn thành những điều cao cả. Chúng ta cố gắng không làm tổn thương tới nhau. Chúng ta tìm kiếm những điểm chung và chia sẻ những giả định rằng chúng ta sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc giữa các thành viên trong nhóm. Trên tinh thần đó, chúng ta bắt đầu tiến hành công việc hoặc mục đích mà nhóm tập hợp lại để hoàn thành.


Tuy vậy, trong sự hào hứng tìm kiếm cảm giác thuộc về này, ta có thể bị cuốn vào những quy tắc tập thể bất thành văn. Trong nỗ lực để lãnh đạo, ta có thể đè bẹp sức sống của nhóm mà không ý thức rằng ta đang làm vậy. Khi các mô thức nhóm được thiết lập một cách vô thức và không được nói ra một cách rõ ràng, thời gian và sự chú ý của nhóm dường như được dồn vào một hoặc hai người, trong khi sự hiện diện và đóng góp của những người khác bắt đầu giảm sút. 


Những bức xúc giữa các thành viên trong nhóm được cố gắng xoa dịu bằng đôi lời ngọt nhạt. Một số thành viên lặng lẽ rút lui và dập tắt hy vọng rằng trải nghiệm này sẽ nuôi dưỡng họ hoặc giúp họ hoàn thành mục tiêu của mình. Bất kỳ ai có kinh nghiệm làm việc nhóm đều đã chứng kiến những diễn biến tâm lý này, và hầu hết chúng ta không biết làm sao để quản lý những sự bất bình đẳng giữa các cá nhân như đã kể trên. Hoặc ta cũng có thể mất nhiều thời gian trước khi kịp nhận ra những diễn biến tâm lý này trong nhóm. 


Trong vai trò người hướng dẫn và đồng điều phối vòng tròn, chúng tôi để ý những diễn biến đáng quan ngại kể trên trong các vòng tròn hoặc đội nhóm mà mình dẫn dắt, và thỉnh thoảng trong các nhóm mà chúng tôi chỉ là thành viên. Có một giai đoạn, chúng tôi cho rằng vấn đề nằm ở chỗ mình lại tiếp tục rơi vào ‘một nhóm có vấn đề’. Ước gì mọi người trong nhóm cùng mức độ trưởng thành như nhau, cùng tương thích hoặc chia sẻ một mục tiêu chung với nhau, thì những vấn đề này sẽ không xảy đến hoặc sẽ biến mất.


Sau một thời gian nghiên cứu các nhóm có mức chia sẻ tinh thần lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm cao, chúng tôi nhận ra rằng bóng âm vẫn luôn luôn tồn tại trong mọi cá nhân và đội nhóm. Chúng tôi tin rằng, bằng cách tạo ra một môi trường an toàn, các vòng tròn mời gọi chúng ta sống với phiên bản trọn vẹn của chính mình và trở nên chân thật hơn với nhau. 


Điều này có nghĩa là những gì chưa được chữa lành trong các cá nhân và trong nhóm sẽ được lôi ra ánh sáng để chữa lành. Thực hành vòng tròn chính là một cách thức cần thiết để mang các phần cần được chữa lành vào trong nhận thức và vào cuộc trò chuyện của nhóm. 


Khi mọi người không thể nói về sự hiện diện của bóng âm trong một nhóm, họ sẽ thể hiện qua hành động. Trong vai trò thành viên của nhóm, chúng ta có thể tức giận hoặc cố gắng kiểm soát nhóm để khiến người khác cư xử cho phải phép. Chúng ta có thể bỏ cuộc và rời đi, ít xuất hiện hơn hoặc bắt đầu tìm một nhóm khác tốt hơn. Chúng ta chọn ra một “người có vấn đề” và bàn tán về người đó. 




Mặc dù ta thường cảm thấy không thoải mái về những hành vi lén lút như vậy, nhưng ta không biết phải làm gì khác đi. Trong các nhóm mà phần bóng âm không được thừa nhận hoặc bị che giấu thật sâu, các thành viên thường bị phân cực thành hai nhóm: một là không hề hay biết về những gì đang xảy ra đối với sự gắn kết của nhóm, và hai là những người nhận thức rõ ràng về sự chia rẽ thì lại cố gắng quản lý hành vi của người khác, hoặc điều hướng hành động của nhóm mà không nhận thức ảnh hưởng của chính họ vào vấn đề đang tồn tại. 


Giải quyết những phần bóng âm cần chữa lành nghe có vẻ không giống như mục tiêu của một vòng tròn hoặc nhóm mà bạn đang tham gia. Tuy nhiên, không phải bởi vì không ai nói về nó mà việc chữa lành này là không cần thiết, không xảy ra, hoặc các phần bóng âm không nảy sinh. Đây là điểm mấu chốt của tài liệu này: có những yếu tố vô hình trong một vòng tròn vốn cần được thảo luận và săn sóc, nếu không thì chúng có khả năng xói mòn hay phá vỡ những ý định tốt nhất của chúng ta. 


Săn sóc phần bóng âm không phải lúc nào cũng đầy kịch tính. Đó có thể là một cam kết thầm lặng và tỉ mẩn mà tất cả các thành viên trong nhóm đều cùng sẻ chia trách nhiệm. Một vòng tròn luôn để ý tới phần bóng âm và sự phóng chiếu sẽ hành xử giống như một gia đình, khi mà tất cả các thành viên tự biết ý dọn dẹp: ngôi nhà hiếm khi trông có vẻ lộn xộn hoặc bẩn thỉu, đồng thời, không ai phải làm công việc tẻ nhạt là dọn dẹp hộ người khác. 


Sự xuất hiện của các phần bóng âm và sự phóng chiếu trong một vòng tròn không phải là một thất bại của vòng tròn đó. Trái lại, đó là một cơ hội mời gọi các thành viên trong nhóm cùng tạo ra một trải nghiệm học tập mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân và cho cả nhóm. Việc để ý tới bóng âm trong một nhóm giúp ta dần sống trọn vẹn hơn. Chúng ta thêm tự tin vào khả năng vượt qua các vấn đề khó khăn của nhóm, đồng thời duy trì được sự gắn kết và ý định tốt đẹp chung. Một nhóm người sẵn sàng dọn dẹp những hỗn độn còn bám dính bên trong mình và trong các mối quan hệ sẽ tạo ra những lực đẩy tiên quyết cho thành công của nhóm. Khi bóng âm được coi là một phần của nhóm, khi nhóm sẵn sàng đương đầu với việc phóng chiếu phần bóng âm lên người khác, đó là dịp để cả nhóm có thể ăn mừng rằng mình đang hoạt động hiệu quả.  


Nguồn: Meredith Jordan và Christina Baldwin, 2016, Hiểu về Bóng âm và Sự phóng chiếu trong Vòng tròn

Post a Comment

0 Comments

Close Menu