Hiểu về Bóng âm và Sự phóng chiếu trong Vòng tròn - Phần 1: Bóng âm là gì?

Nơi nào có ánh sáng, nơi đó cũng có bóng tối.

Giống như bóng nắng rọi qua tán cây, chúng ta trải nghiệm cả hai trong cả các mối quan hệ bên ngoài và bên trong chính mình.



Bóng âm là gì?


Thuật ngữ “bóng âm” bắt nguồn từ công trình có tầm ảnh hưởng lớn từ hai nhà tâm thần học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung và Marie Louise von Franz. Họ sử dụng thuật ngữ này để chỉ “những phần bên trong nội tâm mà chúng ta chưa nhận thức được.”


Jung và von Franz đưa ra giả thuyết rằng, mỗi cá nhân đều phát triển một cái tôi đã biết và một cái tôi chưa biết. Khái niệm này thu hút sự chú ý của những người tiên phong phát triển ngành tâm lý học thời bấy giờ, và hiên nay đã trở thành một khái niệm được phổ cập rộng rãi. Vào những năm 1980, tác giả Robert Bly bắt đầu khám phá nguồn gốc của phần bóng âm bên trong mỗi người như là một sự chia rẽ giữa cái mà ông gọi là “ánh sáng rực rỡ nguyên bản” của mỗi người và niềm tin của họ - rằng chỉ có tuân theo chuẩn mực xã hội mới đảm bảo chúng ta tồn tại và được chấp nhận. Bly nói rằng mỗi đứa trẻ sinh ra là “một quả cầu năng lượng sống động và rực rỡ”. 


Có thể nói rằng, một khi đã đối mặt với thực tế đời sống - gia đình, cộng đồng và xã hội - rất ít người trong chúng ta có thể giữ được thứ ánh sáng hay tính rực rỡ bẩm sinh đó. Ngay khi vừa chào đời, hầu hết chúng ta đã nhận được thông điệp rằng - có phần nào đó của mình sẽ không được đón nhận, được hoan nghênh, hoặc quá thừa (hay quá thiếu) - từ những người thân thuộc mà chúng ta phải phụ thuộc vào tình thương và sự quan tâm từ họ để tồn tại. Những thông điệp này được thể hiện qua lời nói trực tiếp, hoặc qua những biểu hiện mệt mỏi, bực tức mà ta cảm nhận được từ người nuôi dưỡng mình. Hoặc từ sự thiếu vắng tình thương cũng như để tâm từ cha mẹ với con trẻ khiến chúng cảm thấy không được coi trọng và yêu thương. Có những thông điệp thì đến khi chúng ta lớn lên trong một thế giới bao dung với nhóm người này nhưng lại gạt bỏ nhóm người khác. Ai trong chúng ta cũng đều nhận được những thông điệp trên vài lần trong đời, có một số người thì toàn nhận được những thông điệp như vậy.


Khi chứng kiến những phần bản chất tự nhiên bên trong không được những người ta quan tâm nhất đón nhận, điều duy nhất ta có thể làm: đặt những phần chưa được yêu thương và coi trọng đó vào một xó xỉnh nào đó trong tâm hồn, rồi quên dần đi sự tồn tại của chúng. Đồng thời, chúng ta tạo ra những khía cạnh mới trong tính cách để dễ dàng được người khác chấp nhận hơn. Chúng ta thể hiện những cá tính mới này với hy vọng sẽ giành được tình yêu và sự chấp thuận mà bản chất con người thật của ta trước giờ không nhận được. Sau một thời gian, chúng ta tin rằng những phần cá tính được tạo nên đó đại diện cho toàn bộ con người thật của mình. Nhưng không phải vậy. 


Đây là những phần của một chiếc mặt nạ, còn được gọi là một cái tôi giả, được xây đắp cẩn thận. Chiếc mặt nạ này có thể giúp ta sống dễ hơn với đời, nhưng nó lại không hoàn toàn chân thật. Mặt nạ được tạo ra từ chính mong muốn tìm kiếm sự thuộc về của cái tôi cá nhân.


Con người luôn có nhu cầu được thuộc về một nhóm hội/cộng đồng nào đó. Bản thân chúng ta là những sinh vật sống theo cộng đồng. Bất kỳ ai nuôi dạy và làm việc với trẻ em đều biết rõ, việc phải cùng lúc hỗ trợ hình thành cá tính riêng và tạo cho trẻ một bộ quy chuẩn xã hội cần thiết là quá trình cần nhiều sự cẩn trọng, song không bao giờ là hoàn hảo. Một vài phần trong cái ánh sáng rực rỡ nguyên bản đó đơn giản là không phù hợp ở vai trò người lớn. Người lớn mà bộc phát những cơn thịnh nộ như một đứa trẻ sơ sinh sẽ tạo ra mối nguy hiểm cho chính bản thân và người khác. Một điều tất nhiên, việc học hỏi những quy tắc xã hội, phong tục tập quán, điều cấm kỵ hoặc được phép trong các xã hội khác nhau là một phần quan trọng hình thành nên nhân cách con người. Chúng ta cần phát triển ý thức về các tình huống xã hội để có thể hiểu được vai trò của mình, cách tương tác với người khác và những gì ta có thể cho đi cũng như nhận lại. 


Bly ví nơi chốn trong tâm hồn mà chúng ta giấu những phần không được thừa nhận như “một chiếc bao tải lòng thòng mình kéo theo”. Những phần không được chấp nhận trong chúng ta sẽ bị đẩy vào bên trong và dần tích tụ trong “chiếc bao tải” này và tạo ra cái mà ta đã quen gọi tên là “bóng âm” - tất cả những gì đã bị từ bỏ, đánh mất, miệt thị, xua đuổi, mắng chửi, cấm đoán, và không thừa nhận. 


Khi nghĩ về sự hiện diện của “cái tôi bóng âm”, nhiều người cho rằng những khía cạnh nhét trong cái túi đó toàn là những phẩm chất “xấu xa” hoặc “tiêu cực”. Điều này không đúng. Nhiều “bao tải” chứa đựng những khía cạnh tuyệt vời, thú vị, táo bạo, can đảm của bản thân, vốn dĩ chưa được thể hiện trong gia đình, nhà trường, các truyền thống tôn giáo hoặc cộng đồng nơi ta lớn lên. Một cậu bé bị giáo viên dạy nhạc nhận xét rằng “đứa trẻ này điếc nhạc, không phân biệt nổi nốt nào với nốt nào” có thể sẽ không bao giờ thử hát nữa. Sau đó, ở tuổi 55, khi bồng đứa cháu đầu tiên, ông ngâm nga một bài hát ru bị lãng quên từ lâu và phát hiện ra trong mình vẫn còn giai điệu sống động ấy. Bởi lẽ với những người chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa số đông ở phương Tây, ta thường không thấu hiểu phần bóng âm trong mình để rồi rơi vào tình huống mà những phần tính cách thất lạc đó bị rò rỉ qua lớp mặt nạ chúng ta đã cẩn thận (và thường là vô thức) tạo nên. Chúng ta bất ngờ bật khóc hoặc bật cười. Chúng ta đột nhiên phát điên dù chuyện chẳng đáng gì. Chúng ta rơi vào tuyệt vọng hoặc trầm cảm mà không rõ nguyên nhân. Chúng ta hành động trái ngược với những giá trị mà ta nghĩ mình luôn coi trọng: bắt đầu ngoại tình, mua một chiếc xe hơi thể thao  đắt tiền, hay bỏ việc. 


Nhiều người trong chúng ta, tới một thời điểm nào đó trong cuộc đời, thừa nhận rằng có điều gì đó không ổn với bản thân, cũng như không còn nhận ra bản thân mình là ai. Ta có thể tiếp tục lờ đi những gì mới phát hiện về bản thân, hoặc có thể bắt đầu khám phá cái bao tải đang lê lết sau lưng mình. Ta chỉ có thể trở lại con người toàn vẹn của mình khi  cam kết nâng tầm ý thức về toàn bộ bản chất con người bên trong chúng ta. Một cô bé  trước nay luôn được yêu quý vì tính cách dịu hiền có thể thức tỉnh ở tuổi 45, cảm thấy tức tối về những lần mình đã chối bỏ cơn giận dữ của bản thân.


Có thể cô ấy không biết phải làm gì với cảm xúc vỡ òa này. Cô ấy cần phản hồi từ người khác, cần học cách làm việc với cơn giận và cần một vòng tròn bè bạn xung quanh có thể giúp giúp bản thân có sự can đảm để có thể đối diện và nói chuyện về vấn đề này. Khi sự mơ hồ qua đi, cô hiểu được ý nghĩa từ cơn tức giận của mình và sử dụng cảm xúc này một cách có ý thức, cô có thể sử dụng cơn giận theo hướng tích cực để thay đổi cuộc sống. Làm việc với phần bóng âm là một hành trình quả thực khó khăn, nhưng cuối cùng thì đó là việc đáng làm để khôi phục lại những phần bị thất lạc của mỗi người. 

Trong phần lớn lý thuyết về bóng âm, độ tuổi trung niên thường được coi là khoảng thời gian mà phần mặt nạ “tan rã” và cái tôi đích thực được tái xuất. Đây cũng là thời điểm nhiều người trong số chúng ta đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, cộng đồng và trong gia đình.Ta chợt phát hiện mình đang trải nghiệm những sự việc đầy thách thức, giúp ta phát triển con người mình. Khi bước vào giai đoạn rộng mở này của cuộc đời, sẽ thật hữu ích nếu ta chuẩn bị tâm lý cho những lúc phần bóng âm của ta và những người xung quanh sẽ xuất hiện trong bất kỳ nhóm hoặc cộng đồng nào ta tham gia. Và ta nên kỳ vọng những phần bóng âm ấy sẽ mang tới cho ta nhiều cơ hội học hỏi những cách để hỗ trợ nhau phát triển và thay đổi. 

Nguồn: Meredith Jordan và Christina Baldwin, 2016, Hiểu về Bóng âm và Sự phóng chiếu trong Vòng tròn

Post a Comment

0 Comments

Close Menu