Vòng tròn: Chăm sóc người bệnh trong Bệnh viện



        Được sự kết nối và hỗ trợ từ Bác sỹ Phạm Nguyên Quý (Y Học Cộng Đồng) và ThS. Lý Thị Hảo (Trưởng phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, ngày 23/7/2022, các thành viên và tình nguyện viên của Mạng lưới Tròn Lành Việt Nam kết hợp với Sống Thiền (sau đây xin gọi chung là Nhóm điều phối) đã tổ chức vòng tròn chia sẻ cho bệnh nhân nội trú tại khoa “Điều trị hóa chất” của Bệnh viện.

        Với tình yêu thương dành cho người bệnh, Chị Hảo và các nhân viên của phòng CTXH Viện mong muốn mang đến trải nghiệm và các tiếp cận mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Còn với nhóm điều phối, từ một số kinh nghiệm tích lũy ở Vòng tròn “Giải phóng Ung thư bằng sức mạnh tâm trí” (MBCR), nhóm mong muốn mang đến một không gian vòng tròn an toàn nơi mọi người thực tập sự lắng nghe không phán xét, chia sẻ và cùng nâng đỡ nhau. Mỗi thành viên của nhóm đều hiểu rằng, trong không gian của phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân đã có nhiều thời gian điều trị cùng nhau, giữa các bệnh nhân đã có những tình thân, những gắn kết yêu thương, chia sẻ. Bởi vậy, sự hiện diện của Nhóm điều phối lúc này, là sự thêm vào một cách tạo không gian an toàn trên nền tảng của sự gắn kết mà các bệnh nhân đã có cùng nhau trước đó. “Không gian an toàn” là nơi những cảm xúc khó có cơ hội được gọi tên, được giãi bày, đón nhận và chăm sóc, để giữa những cơn đau về thể chất, sự xoa dịu, nâng đỡ về tinh thần có thể giúp mỗi người vững vàng thêm một chút trước những thử thách, khó khăn.

        Một trong những điều quan trọng đầu tiên tạo nên sự kết nối giữa nhóm điều phối và người bệnh, chính là sự gắn kết từ Chị Hảo dành cho cho cả hai nhóm, cũng như sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế của Phòng Công tác xã hội. Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức các vòng tròn tròn lành trong cộng đồng, nhưng với không gian của phòng bệnh, khi nhóm tổ chức là người mang vòng tròn đến cộng đồng, thay vì cộng đồng chủ động tìm đến vòng tròn theo nhu cầu, thì việc tạo niềm tin, sự kết nối của cán bộ y tế là rất quan trọng. Cán bộ y tế là người tạo lòng tin, phá băng sự nghi ngại “họ đang định làm gì với mình”, “liệu những người này có đáng tin”… trong những phút đầu gặp gỡ giữa người bệnh và nhóm điều phối. Cán bộ y tế cũng là người hỗ trợ nhóm điều phối trong việc sắp xếp không gian, phương tiện, cơ sở vật chất để tổ chức. Ngoài ra, trong bối cảnh bệnh nhân vẫn còn đang tay truyền thuốc - lưng ngả vào giường bệnh theo dõi bình dịch truyền, việc tổ chức không gian vòng tròn cũng cần nhiều sự linh hoạt. Việc sắp xếp các chỗ ngồi cũng thật đặc biệt, vì các bệnh nhân đều ngồi tại giường, thay vì vòng tròn khum khum, mọi người có thể gần lại đề nghe nhau. Nhưng điều này không làm khó các hosts, bởi sau những ngày tâm tình thủ thỉ, hôm nay các hosts chuyển sang trải nghiệm làm “public speakers”, nghĩa là tập nói to hơn, dõng dạc hơn để người ở vị trí xa nhất cũng có thể nghe thấy. 

        Buổi sáng hôm đó, khi mỗi người đã ổn định vị trí của mình, 17 người bệnh, 4 cán bộ y tế và 4 thành viên điều phối cùng nhau lắng lại, hít thở và bắt đầu vòng tròn. Với lời mời từ Host Thủy, chúng mình lần lượt chào nhau, giới thiệu về tên, tuổi (nếu muốn) và mình đến từ đâu. Những ánh mắt lấp lánh khi nhận ra chúng mình cùng đến từ vùng núi, từ miền biển hay “chúng mình là đồng hương”, tựa như chúng ta quen nhau, gần nhau hơn chút nữa này. Sau phần giới thiệu, chúng mình cùng hát với nhau bài hát “Hãy yêu nhau đi”, không khí lại ấm hơn một chút. Đã có những người giọng nghèn nghẹn khi lâu lắm mới hát, hay hát lại bài hát thân quen và có điều gì đó chạm đến trái tim. Mọi người được check-in nhanh cảm xúc, tâm trạng hiện tại. Có 5 mức độ trạng thái, đánh số từ 1 đến 5 được ghi lên bảng để ai cũng có thể nhìn thấy. Mỗi người được phát 1 tấm giấy dán và 1 cây bút màu để trả lời khuyết danh lên tấm giấy con số mô tả chính xác nhất cảm xúc hiện tại, trước khi bước vào vòng tròn chia sẻ từ trái tim.

        Sau khi “check in” cảm xúc, chúng mình cùng nhau lắng nghe Phương (là người bảo hộ vòng tròn) đọc bài thơ “Khách trọ” và các thỏa thuận tham gia trước khi chia vòng tròn lớn thành các vòng tròn nhỏ hơn. Lời mời chia sẻ hôm ấy là câu hỏi “Có những vị khách nào đang ở trước cửa nhà bạn?”

        Các thành viên trong phòng bệnh được chia thành 4 nhóm nhỏ, cứ hai giường bệnh cạnh nhau tạo thành 1 nhóm. Mỗi nhóm gồm 4-5 bệnh nhân, 1 nhân viên y tế và 1 thành viên nhóm điều phối. Vật nói được để giữa vòng tròn, khi có bất cứ thành viên nào trong vòng tròn sẵn lòng chia sẻ, người đó sẽ cầm vật nói lên và bắt đầu câu chuyện của mình. 

        Đã có những sự yên lặng diễn ra, và người điều phối hoặc cán bộ y tế trong nhóm nhỏ đã điều hướng câu hỏi ban đầu. 

  • Chúng ta chào đón cả vị khách tĩnh lặng trong vòng tròn này 

  • Sự tĩnh lặng là hoàn toàn tự nhiên, nếu như chưa có điều gì muốn chia sẻ, mình có thể hiện diện ở đây và cùng nhau hít thở

  • ….

Hoặc ở nhóm Gấu Xanh, cán bộ y tế lần lượt hỏi thăm mỗi người, xem hiện tại họ cảm thấy thế nào. Có lẽ, không có một công thức nào chung, và vòng tròn hôm ấy, mình tạm gọi đó là vòng tròn kết hợp. Nó là sự kết hợp giữa cách thức kiến tạo không gian đã có, với việc sáng tạo “nấu món ăn theo cảm nhận của người đầu bếp dựa trên công thức đã có”. 

        Không gian bắt đầu xao động. Đâu đó bên cửa sổ, có tiếng nấc, có giọt nước mắt rơi. Đâu đó, những lắng lo, những tình thương dành cho con cái được bộc bạch từ những người mẹ tay đang gắn kim truyền. Đâu đó, mắt đỏ hoe “mình chỉ muốn nghe tiếp thôi, còn lòng mình nhiều suy nghĩ lắm”….

        Vì giới hạn thời gian để không ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, nên vòng tròn chia sẻ nhỏ được thực hiện trong 20 phút và các thành viên được mời trở lại vòng tròn lớn. Ở vòng tròn lớn này, chúng mình cùng nhau lắng lại cảm xúc, rồi chào đón 1 chia sẻ bước ra từ 1 thành viên trong vòng tròn. Lời tâm sự nghẹn trong nước mắt, vì có những điều hôm nay Chị mới được nói ra. Đâu đó ở một góc phòng, có một cô bệnh nhân ghé tai nói thêm với người điều phối cho kịp những điều chưa nói “buồn lắm, lo lắm chứ”.

Những mảnh giấy dán ghi nhận cảm xúc lại lần nữa được chuyền tay đến từng Cô, Chị, Em, để cùng nhau nhìn xem sau khi chia sẻ, mình cảm thấy thế nào. Vòng tròn được gói lại, khi Chị Hảo hướng mọi người cùng nhìn về tấm bảng check-in cảm xúc. Là sự hiện diện của trạng thái “bình tĩnh, thư thái” chưa nhìn thấy lúc đầu giờ. Là sự chuyển dịch trong các tầng cảm xúc khó, hay sự bối rối chưa nhận ra thì giờ rõ ràng hơn 1 chút. Sau khi nhìn lại cảm xúc, đón lời mời của Chị Hảo, chúng mình cùng nhau hát thêm lần nữa bài hát “Hãy yêu nhau đi” để “trái tim cho ta nơi về nương náu - được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều”. 

        Và thay cho lời kết, các hosts mời vòng tròn cùng nắm tay nhau, từ giường bệnh này nối sang giường bệnh khác, để kết nối được trao truyền, để hơi ấm từ bàn tay lan tỏa sang bàn tay, để sự nâng đỡ dìu dắt những rưng rưng, để sự bình an được lan tỏa và yêu thương ở lại trong tim mình. 

        Khép lại một sáng Hà Nội ấm nóng, nóng trưa hè và ấm trong tim. 

        Cảm ơn vì chúng ta đã chào đón nhau.  


P/S: 

Một số điều học được từ việc tổ chức vòng tròn tại Bệnh viện:

  • Việc khảo sát, tiền trạm trước lúc triển khai rất quan trọng, để chúng mình định hình, hiểu rõ hơn về không gian, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức

  • Thảo luận giữa nhóm điều phối và cán bộ bệnh viện trước khi thực hiện rất quan trọng, giúp cho hai bên hiểu rõ và thống nhất các tiến trình, ý định mà mình sẽ thực hiện ở mỗi bước

  • Vì không gian vòng tròn tôn trọng sự chân thật, nên việc lựa chọn và tập hợp người tham gia trước khi tổ chức thực tế cũng cần thiết. Việc tham gia nên xuất phát từ chính nhu cầu, nguyện vọng của người tham gia (thay vì chỉ định), và nếu được thì có sự đồng thuận bằng bản đồng ý tham gia trải nghiệm. Mục đích là để người tham gia hiểu những gì mình sẽ trải nghiệm, và từ chối tham gia khi không thoải mái, và cũng để người tổ chức hiểu rõ ràng hơn người tham gia đã thực sự sẵn lòng chưa, hay chỉ miễn cưỡng làm theo chỉ định.

  • Cuối cùng, những người điều phối sẽ luôn cần giữ trái tim thả lỏng và linh hoạt để đón nhận các dòng chảy bất ngờ trong vòng tròn. Làm vòng tròn giúp mình hiểu hơn “tính nước” khi biểu hiện nghĩa là như thế nào. 

Post a Comment

0 Comments

Close Menu