Kỹ năng khám phá xung đột

Hãy nhớ rằng trước khi chúng ta muốn xử lý các xung đột bằng cách ngồi lại thành vòng tròn, thì điều kiện tiên quyết chính là chúng ta phải có một nền tảng kết nối mạnh mẽ, an toàn và đáng tin tưởng. Nền tảng kết nối này chính là cái bình chứa mà trong đó xung đột sẽ được xử lý. Đội ngũ Circle Ways kêu gọi mọi người đang thực hành vòng tròn, dù là trong ngữ cảnh nào, cũng hãy bắt đầu trong niềm vui. Vòng tròn chính là nơi để ca tụng, để ăn mừng nhân tính của loài người, ăn mừng những ‘tính chung’ nơi chúng ta. Nếu làm tốt điều này, chúng ta sẽ dễ dàng chuyển sang ca tụng những ‘tính riêng’ trong mỗi người.

Thông thường thì, trường học, doanh nghiệp, và các gia đình tìm đến vòng tròn khi những có những xung đột hay sự chuyển tiếp xảy ra. Chúng ta không muốn vòng tròn chỉ xuất hiện khi chúng ta có vấn đề. Vì thế, những người điều phối và giáo viên cần cho học sinh thấy giá trị của việc hiện diện cùng mọi người xung quanh, cho học sinh thấy những niềm vui và bài học thú vị đến từ các mối quan hệ. Nếu làm tốt điều này, những xung đột trong nhóm không thể tránh khỏi sẽ được nhìn nhận như những cơ hội để chuyển hóa và những nhận biết sâu sắc.

Khám phá xung đột:

"Giải quyết" xung đột là một chuyện huyễn hoặc, đặc biệt khi các giải pháp được áp đặt từ bên ngoài. Trong Hội đồng, chúng ta nói về việc "khám phá" thay vì “giải quyết” xung đột. Mục đích của chúng ta là hiểu: điều gì đã xảy ra, tại sao nó xảy ra và điều gì cần được làm. Mặc dù trong thời gian đầu, làm việc với xung đột trong Hội đồng dường như mất nhiều thời gian hơn, nhưng quá trình này thường dẫn đến những thay đổi lâu dài, với kết quả vượt xa tình trạng hiện tại.

Mặc dù thuật ngữ “xung đột” nói chung có hàm ý tiêu cực, nhưng xét về khía cạnh tường thuật thì nó là động lực cốt yếu của một cốt truyện. Xung đột là thứ tạo ra hứng khởi. Khi chúng ta xóa nó đi một cách giả tạo, deus ex machina (thần linh vẫy tay và khó khăn biến mất), thì khán giả sẽ phàn nàn khủng khiếp. Thực ra, cuộc sống và văn học sẽ khá tẻ nhạt nếu không có xung đột. Những đứa trẻ đang xung đột - với nhau, với chúng ta, với thế giới - chúng phải học cách coi bản thân không phải là “xấu” mà là những nhân vật trong một câu chuyện, hay một vở kịch. Sự tham gia vào những sự chia rẽ, phân cực này là vô cùng cần thiết để câu chuyện được tiếp diễn, được tạo ra những khả năng mới, mối quan hệ mới, hành động mới.

Chúng ta có thể bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận “xung đột” của mình bằng cách xem xét xung đột nói chung. Sau đó, khi cả vòng tròn nhận ra xung đột là một cái gì đó chung của toàn thể loài người và vũ trụ, chúng ta có thể bắt đầu khám phá những xung đột giữa các cá nhân trong vòng tròn, và tôn vinh xung đột như là một cơ hội để hiểu và thay đổi.

Kỹ năng khám phá xung đột

Nếu hai học sinh đã chấp nhận lời mời, họ sẽ di chuyển vào trung tâm của vòng tròn và bắt đầu một “hội đồng”. Thông thường, chỉ cần chuyền bảo vật phát thanh tới lui là đủ để hiểu được vấn đề, nguồn gốc của chúng, và những bước cần làm tiếp theo.

Nếu quá trình này cần có nhiều sự hướng dẫn hơn thì cơ bản sẽ có 5 pha để khám phá xung đột mà giáo viên có thể gợi ý:

- Câu chuyện: Chuyện gì đã xảy ra?

- Cách phản ứng: Bạn đã nghĩ và cảm thấy như thế nào sau chuyện đó?

- Nguyên nhân: Bạn nghĩ lý do vì sao xung đột này diễn ra? Bạn đóng vai trò nào trong đó?

- Gợi ý: Có thể làm gì bây giờ?

- Thỏa thuận: Điều gì chúng ta sẽ cam kết làm?

Nếu bạn sử dụng chuỗi gợi ý này, cách tốt nhất là sau mỗi pha thì chúng ta chuyền bảo vật phát thanh cho người kia, bởi vì nếu như nói hết tất cả một lượt thì sẽ có quá nhiều thông tin mà một học sinh cần phải nắm.

Các học sinh bắt đầu bằng cách kể chuyện gì đã xảy ra, bám vào trải nghiệm của riêng mình và sử dụng thông điệp bắt đầu bằng ngôi thứ nhất “tôi, tớ, mình, ...”. Tiếp đó, chúng sẽ nói về cách thức mà chúng phản ứng với xung đột. Chúng có tức giận, buồn, kể ai đó nghe, giữ cho riêng mình, cố quên nó, lên kế hoạch trả thù, đá thúng đụng nia, v.v…? Thỉnh thoảng sẽ có ích khi bảo học sinh nói về cách mà chúng đồng ý đem vấn đề này ra để hội đồng cùng chứng kiến, bởi vì nhận thức này sẽ củng cố ý định giải quyết vấn đề của hai người.

Sau đó, học sinh có thể bắt đầu tìm hiểu về các nguyên nhân, những gì mà chúng có lẽ đã làm để giải quyết vấn đề mà không đưa ra giả định về động cơ của người kia. Tiếp theo, mỗi bạn có thể đưa ra đề xuất về những gì cần làm tiếp theo, một lần nữa, trình bày từ vị trí “tôi” thay vì khuyến nghị những gì người khác có thể làm. Cuối cùng, học sinh thống nhất cái mà chúng sẽ làm, dù cho điều này có nghĩa là thống nhất “không đồng ý” hoặc là tiếp tục trao đổi vào dịp khác.

Bất kể khi nào, đặc biệt là về cuối buổi, hay khi mà ở đó có những góc kẹt, nốt trầm hay khoảng lặng, hãy mời gọi cả nhóm chuyền bảo vật phát thanh quanh vòng tròn, và chứng kiến những gì mà tất cả đã nghe và lưu lại trong lòng trong quá trình lắng nghe 2 cá nhân đang xung đột kia. Cách phản chiếu đơn giản này thường giúp chuyển hướng năng lượng theo một lối đi mới.

Khi xung đột đang ở giai đoạn mà một hoặc cả hai người đều muốn kể về chuyện đã xảy ra, nhưng lại không muốn lắng nghe một cách sâu sắc câu chuyện của người kia, thì người chủ trì có thể đề nghị họ thực hành việc lắng nghe chủ động, chứng kiến những gì người kia nói. Lời gợi mở có thể là: “Một bên là người nói, một bên là người lắng nghe. Khi người nói dừng, người lắng nghe sẽ lặp lại toàn bộ những gì họ nghe được, kèm theo câu hỏi ở cuối, đó là - Tôi hiểu vậy có đúng không? Tôi có cần thêm bớt gì không?” Người nói sẽ có quyền nhận lại bảo vật phát thanh, và xác nhận hoặc sửa đổi, bổ sung phần phản hồi vừa rồi của người lắng nghe.

Người lắng nghe tiếp tục nghe và phản hồi cho tới khi người nói cảm thấy là họ được nghe đủ và đúng.

Nguồn: thegreats.co - The Togetherness by Vanessa Mundle


Nếu sự xung đột trở nên căng thẳng hơn nhưng cả hai người tham dự - A và B - đều vẫn muốn theo những nguyên tắc của vòng tròn, thì mỗi bên sẽ tự chọn người lắng nghe từ vòng ngoài và mời họ vào vòng trong. Tiếp theo đó, người lắng nghe của A, (tạm gọi là X) sẽ lắng nghe trọn vẹn những gì A nói, rồi lặp lại những gì mình đã nghe kèm thêm câu hỏi ở cuối phần phản hồi của mình: “Tôi hiểu vậy đúng chớ? Có cần phải thêm bớt hay đổi gì không?” Sau đó đến lượt A sẽ trả lời X, X tiếp tục phản hồi kèm những câu hỏi trên cho tới khi A xác nhận đã được nghe đúng và đủ. Tương tự như vậy với trường hợp của B và người lắng nghe của B (tạm gọi là Y), họ luân phiên cho đến khi việc nói và nghe kết thúc. Đây là cách để hạ “nhiệt” của những người trong cuộc, khi họ có những người lắng nghe chuyên tâm mà không có phản ứng cảm xúc dữ dội.

Một lần nữa, nếu còn thời gian, hãy để mọi người cùng chứng kiến các cuộc đối thoại ở tâm vòng tròn, trước khi họ tiến hành thỏa thuận với nhau. Hãy nhớ là người điều phối cũng tham gia vào việc này, nhưng không đưa ra giải pháp, dù là giải pháp tạm thời hay bất kỳ kết luận nào đi chăng nữa, trừ khi là câu chuyện rõ ràng là đang đi vào bế tắc và khả năng hai bên gây hại cho nhau vẫn còn hiện hữu.

Post a Comment

0 Comments

Close Menu